Hội đua thuyền truyền thống xã Hoằng Đạt.
Hoằng Hóa hội tụ đầy đủ các nguồn tài nguyên tự nhiên, từ núi, sông, lạch, biển; lại nằm trên trục đường thiên lý Bắc – Nam. Đặc biệt, Hoằng Hóa là nơi hợp lưu của các sông lớn là sông Chu, sông Mã, sông Cầu Chày và sông Bưởi, trước khi đổ ra biển Đông. Ngoài ra, huyện ven biển này còn có 2 cửa lạch lớn, ăn sâu vào đất liền là Lạch Trào và Lạch Trường. Các cửa lạch này không chỉ tạo ra một vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Thanh Hóa; mà từ xưa, đây đã là những cửa biển sầm uất, nhộn nhịp giao thương kinh tế, văn hóa và được xem là cửa ngõ lớn phía Đông của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, với các dòng hải lưu từ hệ thống sông ngòi, kênh lạch nước lợ chằng chịt, chảy theo hướng Bắc – Nam, đã đưa phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng ven biển. Nhờ đó, biến nơi đây thành châu thổ phù sa phì nhiêu, trù phú, thuận tiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó, hình thành nên các tuyến giao thông đường thủy nối Hoằng Hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hoằng Hóa có 12 km đường biển. Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn, biển Hoằng Hóa có độ sâu vừa phải (cách bờ 20 km độ sâu khoảng 20m, ra đến 140 km, độ sâu khoảng 33m); nước trong, không có dòng chảy mạnh và xoáy ngầm, không có bãi đá ngầm; bãi biển có độ dốc thoải, độ cao sóng phù hợp cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch. Cùng với 2 cảng cá Lạch Trường và Hoằng Phụ đã hình thành từ lâu, dọc bờ biển này còn có nhiều điểm có thể xây dựng cầu tàu du lịch. Trong khi các tuyến đường thủy tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển từ Hoằng Hóa đến các khu, điểm du lịch như Sầm Sơn, đảo Nẹ, núi Ngọc, động Tiên Sơn, thắng cảnh Hàn Sơn... Chưa kể, các dòng sông chảy qua địa bàn như sông Mã, sông Chu còn “bồi đắp” dọc đôi bờ một hệ thống di tích, danh thắng phong phú và giàu giá trị.
Nắm bắt được các điều kiện thiên thời, địa lợi ấy. Đồng thời, gắn với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đã xác định đưa du lịch đường thủy vào định hướng phát triển du lịch những năm tới. Theo đó, huyện đã xây dựng Đề án “Khai thác và phát triển tuyến du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030”; với các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, du lịch đường thủy trở thành loại hình du lịch phát triển, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương; có hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng. Từ đó, thu hút được 200.000 lượt khách nội địa và 5.000 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 21 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động địa phương.
Có thể nói, việc xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông không chỉ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế các yếu tố tự nhiên và nhân văn đặc trưng của địa phương; mà còn cho thấy, huyện Hoằng Hóa hướng đến phát triển du lịch đường thủy một cách bền vững. Theo đó, du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sống dọc các tuyền sông, biển. Cùng với đó, việc phát triển du lịch đường thủy cũng được địa phương gắn kết chặt chẽ với quy hoạch không gian đô thị, các khu chức năng đặc thù ven sông, nhưng không làm phá vỡ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của các dòng sông.
Nhằm tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm, tuyến du lịch đường thủy còn gắn với loại hình nghỉ dưỡng, khám phá biển đảo, lễ hội, tín ngưỡng – tâm linh, làng nghề truyền thống, mua sắm. Đồng thời, sản phẩm sẽ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị như tắm sông, đánh bắt thủy sản, lặn biển hay cùng người nông dân trồng rau, cắt lúa. Cùng với đó là các dịch vụ lưu trú trên tàu, thưởng thức âm nhạc, trò chơi, trò diễn dân gian do các đội văn nghệ làng, xã trình diễn... Được biết, theo định hướng phát triển các tuyến du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020, huyện Hoằng Hóa đã và đang đưa vào vận hành các đoạn tuyến chính. Bao gồm: Đoạn Hải Tiến – Cửa Hới – cầu Nguyệt Viên – cầu Hàm Rồng - Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (dài 28 km); đoạn Hải Tiến – đảo Nẹ (dài 5,5 km); đoạn Hải Tiến – sông Lạch Trường – cầu Tào Xuyên – Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (dài 25 km); đoạn Hải Tiến – đền Long Vương – đạo Nẹ, cảng cá Hoằng Trường – Cửa Hới (dài 9,5 km); đoạn Hải Tiến – Sầm Sơn đi qua và kết nối với các điểm du lịch là FLC Sầm Sơn, cảng cá Lạch Hới, rừng ngập mặn Hoằng Châu, làng nghề Hoằng Phụ (dài 9,5 km).
Tài nguyên sẵn có, định hướng cũng đã có, vấn đề còn lại là đầu tư hoàn thiện sản phẩm để bán cho khách du lịch. Trao đổi với ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, chúng tôi được biết: Mặc dù mới đưa vào khai thác chưa lâu, song loại hình du lịch đường thủy đã bước đầu cho thấy kết quả tích cực. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có vài nghìn lượt khách lựa chọn trải nghiệm loại hình du lịch mới này. Trong khi đó cầu cảng được xây dựng để phục vụ phát triển du lịch đường thủy đã trở thành điểm check in hấp dẫn cho hàng chục nghìn lượt khách trong mùa hè. Từ đó, tạo thêm một kênh quảng bá sản phẩm du lịch địa phương. Hiện, bên cạnh cầu cảng được xây dựng khá công phu, doanh nghiệp đã đầu tư được 7 tàu có sức chứa từ 25-35 người. Các điểm đến chủ yếu là đảo Hòn Nẹ, Hòn Bò, cảng cá Hòa Lộc... Mặc dù đã có định hướng và mục tiêu rõ ràng, song, khách quan nhìn nhận, để có được sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Đó là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đường sá và nhất là đầu tư cho các điểm đến kết nối và đa dạng hóa dịch vụ kèm theo, nhằm hấp dẫn du khách.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên