Qua chuyến khảo sát, các nhà báo quốc tế đã có nhiều góc nhìn khác nhau về sản phẩm du lịch của xứ Thanh.
Trong chuyến khảo sát lần này, đoàn Presstrip đã được giới thiệu 2 di sản văn hóa nổi bật nhất của Thanh Hóa là Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) và Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân). Tại Thành Nhà Hồ, đoàn đã nghe hướng dẫn viên giới thiệu khái quát các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đây là công trình “biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV; đồng thời, thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á...”. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.
Đối với di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Đây là di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Khu di tích bao gồm Chính điện, Thái miếu, Tả vu, Hữu vu, Tây thất, Đông trù, Nghi môn và hệ thống tường thành. Bên cạnh đó, các di tích khác như sân rồng, hồ bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng... Các công trình được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, kết hợp với tư duy phong thủy, tạo cho trung tâm Lam Kinh một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm vào tâm thức dân gian. Trải gần 600 năm tồn tại, Lam Kinh đã bị hủy hoại đáng kể. Sau 2 thập kỷ bảo tồn, tôn tạo, khoảng 20 hạng mục công trình đã được khôi phục. Đồng thời, một số hạng mục quan trọng khác và cảnh quan thiên nhiên cũng được cải tạo, gìn giữ, bảo vệ và hiện là một trọng điểm du lịch của Thanh Hóa.
Tại Thành Nhà Hồ, các nhà báo bày tỏ sự ngạc nhiên, thán phục trước kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng tòa thành bằng đá. Các nhà báo cho rằng Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến yêu thích của khách quốc tế, những nhà nghiên cứu về lịch sử, đam mê kiến trúc, nếu du lịch sớm Thanh Hóa khắc phục được một số hạn chế.
Ông Kreis Werner - Nhà báo đến từ Đức cho rằng: Địa điểm này của các bạn phù hợp với khách tham quan nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về các công trình lịch sử, kiến trúc, thậm chí là các nhóm khách trẻ yêu thích khám phá. Tuy nhiên, để có thể giữ chân và đưa khách quốc tế đến với Thành Nhà Hồ thì các bạn còn thiếu một số điều kiện cơ bản, trong đó bao gồm các tiện ích dịch vụ, công nghệ áp dụng trong việc giới thiệu, trưng bày, cùng với đó là dịch vụ ăn nghỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn 5 sao. Chính vì vậy, về phía chúng tôi, nếu có thể đưa khách đến với nơi đây, chúng tôi chỉ có thể đưa được nhóm khách nhỏ 10 - 15 người trong một đợt.
Nhà báo Kreis Werner (Đức) bày tỏ sự ngạc nhiên, thán phục trước kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng Thành Nhà Hồ.
Tại khu du tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cùng với việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích, đoàn nhà báo quốc tế đã được thưởng thức nhiều trò diễn dân gian đặc sắc như: di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò Xuân Phả, múa Pồôn Pôông, múa sạp... Đây là những tiết mục tạo sự thích thú và ấn tượng đặc biệt trong mỗi nhà báo. Đến với Lam Kinh, các nhà báo không chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên trước những giá trị lịch sử được gìn giữ, mà cả những giá trị văn hóa phi vật thể đa sắc màu được bảo tồn qua hàng trăm năm.
Bà De Rupanjna - Nhà báo Ấn Độ cho biết: Tôi thích cách người dân bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Cách họ thể hiện văn hóa nghệ thuật, cho thấy họ yêu thích, họ tôn trọng và mong muốn phát huy các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, các điểm đến của các bạn còn thiếu các phụ đề bằng tiếng Anh, tờ rơi hướng dẫn, đặc biệt muốn quảng bá tốt, các bạn nên nghĩ tới một kênh quảng bá mới là các ứng dụng, để qua đó có thể update được tất cả thông tin. Đặc biệt chú trọng đến các tiện ích tại điểm đến để có thể phục vụ du khách tham quan cũng như phát huy hiệu quả của việc quảng bá thông tin đến du khách một cách thông minh nhất. Xây dựng cơ sở dịch vụ phù hợp với hoàn cảnh, lịch sử của điểm đến.
Các nhà báo cũng chỉ rõ, bên cạnh yếu tố được bảo tồn, Thanh Hóa cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của người dân địa phương, đào tạo đội ngũ làm du lịch tại chỗ giao tiếp tốt bằng tiếng Anh; xây dựng đa dạng loại hình du lịch hướng đến du khách châu Âu như: khách lẻ, các nhóm nhỏ gia đình... Có như vậy, cơ hội đón khách quốc tế mới được mở ra.
Ông Phạm Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc tổ chức thành công chuyến Presstrip với sự tham gia của 8 đoàn nhà báo quốc tế lần này, chúng tôi hy vọng sẽ là tiền đề quan trọng, có thể kết nối được nhiều hơn đối với các đơn vị thông tấn quốc tế trong thời gian tới. Mặt khác, với việc tổ chức đoàn Presstrip khảo sát các sản phẩm du lịch, tỉnh Thanh Hóa hi vọng đây sẽ là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh xứ Thanh đến các quốc gia có thị trường khách du lịch trọng điểm trên thế giới. Qua đó, góp phần nghiên cứu, đánh giá khả năng thu hút và đáp ứng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch của Thanh Hóa.
Những năm qua, du lịch Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng vượt bậc về cả lượt khách, doanh thu, sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa tạo được sự lan tỏa đối với khách quốc tế. Thông qua chuyến khảo sát lần này đã và đang mở ra cơ hội lớn cho Thanh Hóa trong việc quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc sắc đến du khách của một số quốc gia trên thế giới, góp phần để du lịch Thanh Hóa mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, cũng như tăng khả năng thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo.
Hoài Anh