Du lịch Thanh Hóa

Bá Thước phát triển du lịch xanh

16-11-2019 Sinh thái
Huyện Bá Thước đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, dựa trên tiềm năng sẵn có về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, nơi đây ngày càng chứng minh được sức hút đối với nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư


Bá Thước được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, giàu giá trị. Đó là cảnh quan sông núi và hệ sinh thái đa dạng thuộc Khu BTTN Pù Luông; là nhiều di tích lịch sử có giá trị như đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông và những nếp nhà sàn truyền thống trong không gian văn hóa vùng núi; là lối ẩm thực riêng có và hấp dẫn với xôi hấp gà Kho Mường, vịt thác Hiêu (Cổ Lũng)... Chẳng thế mà, Bá Thước không chỉ ngày càng hấp dẫn khách du lịch, mà còn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.


Nói đến sự hiện diện của nhà đầu tư trên mảnh đất phía Tây này, trước hết phải nhắc đến Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu chân và Công ty THHH Thương mại và Du lịch Tam Kỳ. Đó là những nhà đầu tư đầu tiên từ tỉnh ngoài đến với huyện Bá Thước. Khu du lịch nghỉ dưỡng Puluong Retreat do liên danh 2 công ty làm chủ đầu tư nằm trên diện tích 5.000 m2, thuộc địa phận bản Đôn (xã Thành Lâm), đạt tiêu chuẩn 2 sao và được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn cách tân, các bungalow gần gũi với thiên nhiên, bể bơi vô cực - một điểm check in tuyệt đẹp, từng gây sốt trên mạng xã hội. Puluong Retreat không chỉ tạo nên điểm nhấn cho sự phát triển du lịch cộng đồng của huyện Bá Thước, mà còn đem lại thành công cho các nhà đầu tư, khi khu du lịch nghỉ dưỡng này ngày càng thu hút được đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước và khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.


Trong 4 năm trở lại đây, huyện Bá Thước đã thu hút được hàng chục nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung tại các bản làng có tiềm năng du lịch nổi trội như Bản Đôn (Thành Lâm), bản Hiêu (Cổ Lũng), Son Bá Mười (Lũng Cao) và một số bản của xã Thành Sơn. Điển hình như Khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm). Trung bình, các khu nghỉ dưỡng này đón từ 700 - 900 lượt khách/tháng, trong đó 60% là khách quốc tế. Hầu hết lượng khách du lịch đăng ký nghỉ dưỡng tại đây thông qua các công ty du lịch lữ hành có trụ sở tại Hà Nội.


Ông Cao Kim Kiên - Giám đốc điều hành Puluong Natura (xã Thành Lâm) cho biết: "Trong quá trình đầu tư chúng tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương. Với quan điểm của địa phương trong việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường cũng như tính chất phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng, do vậy chúng tôi cam kết trong đầu tư nhưng không làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên, vật liệu xây dựng, đồ dùng phục vụ khách du lịch được khai thác tối đa các sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường".


Không chỉ Puluong Natura mà đại diện Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), ông Hà Hải cũng cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đi vào giai đoạn 2, đầu tư thêm các villa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, tất cả kiến trúc, thiết kế tại đây sau khi mở rộng đều sẽ hướng đến một không gian du lịch xanh, không lạm dụng những trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường cũng như nét văn hóa truyền thống bản địa.



Nhiều dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng theo hướng du lịch xanh trên địa bàn huyện Bá Thước.


Vẫn còn bỏ ngỏ


Với sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh và nỗ lực của địa phương, huyện Bá Thước đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Công tác quy hoạch, quản lý, xúc tiến và quảng bá du lịch cũng được quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Bá Thước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn đơn điệu; chưa phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ khách tham quan gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm; các hoạt động trải nghiệm thực tế còn hạn chế; chưa có điểm mua sắm dành cho hoạt động du lịch... Những hạn chế này ít nhiều có ảnh hưởng đến sức hút đối với du khách, số ngày lưu trú, nhất là đối với khách quốc tế.


Có thể nói rằng, việc kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng gắn với chất lượng dịch vụ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm dựa trên tiềm năng sẵn có, du lịch Bá Thước sẽ có nhiều điều kiện để khai thác tốt hơn tiềm năng sẵn có, thực hiện mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng chất lượng và độc đáo. Qua đó, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm cho người dân vùng miền núi.


Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, để khai thác ngày càng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, huyện Bá Thước đã và đang tiếp tục được tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, viễn thông, điện... Trong đó có việc tập trung nâng cấp các tuyến giao thông từ đầu nối đường 15C đi bản Kho Mường và từ Kho Mường đi Phố Đòn, từ trung tâm bản Hiêu đi UBND xã Cổ Lũng... Các dự án hạ tầng được hoàn thiện, vừa giúp du khách thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch; vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối các điểm đến trong và ngoài huyện; đồng thời, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ du lịch.


"Chúng tôi đang tiếp tục lập quy hoạch tại thác Hiêu, thác Muốn nhằm thu hút đầu tư tại những địa điểm này. Đến nay, du lịch của huyện bước đầu gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong việc đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, đồng thời nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp phát triển hoạt động du lịch. Địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về thủ tục cũng như cơ chế chính sách khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện" - ông Lò Văn Thắng khẳng định.


Với những kết quả đạt được, huyện Bá Thước đang phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 120 nghìn lượt khách du lịch/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch ước khoảng 200 tỷ đồng, trở thành một trong những trọng điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở phía Bắc và cả nước, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao.


Hoài Anh